UBND HUYỆN NAM SÁCH
TRƯỜNG TH NAM TRUNG
Chủ đề tháng 4 - 2024
KỶ NIỆM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM
(30/4/1975 - 30/4/2024)
Giới thiệu cuốn sách: “ Mãi mãi tuổi hai mươi”
Kính chào các thầy cô giáo cùng toàn thể các em!
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng những chiến công oanh liệt của quân đội ta, ý chí cách mạng của người chiến sĩ vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Nó được tái hiện qua những thước phim tài liệu lịch sử, những cuốn sách lịch sử, và còn một số minh chứng sống nữa, đó là những cuốn nhật ký thời chiến như: Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Văn Giá… Những cuốn nhật ký này đã được in thành sách và phát hành rộng rãi đến tay nhiều độc giả.
Nhân dịp kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, thư viện nhà trường xin giới thiệu tới các thầy cô và các em cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc có tựa đề : “ Mãi mãi tuổi hai mươi”. Cuốn sách này được nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm, giới thiệu và được nhà xuất bản Thanh Niên tái bản lần thứ 5. Cuốn sách này có khổ 13x19cm , dày 295 trang và được xuất bản tại Hà Nội.
“ Mãi mãi tuổi hai mươi” cùng với cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” đã trở thành bộ sách quý cho mỗi chúng ta. Trang bìa của cuốn sách là gương mặt Nguyễn Văn Thạc với đôi mắt sáng trên nền bức ảnh các chiến sĩ bộ đội đang hành quân. Nhưng có một điều ở người chiến sĩ này làm cho chúng ta thật sự ngạc nhiên và có phần kinh ngạc, đó là trong lá thư viết cho người bạn gái anh đã dự cảm về ngày 30/4/1975 : “ bất kỳ một sự vinh quang cũng cần trả bằng mọi giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều, thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rạng rỡ. Chúng ta thường đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn, bài thơ, bài toán. 30/4/1975 T sẽ trả lời cho P câu hạnh phúc là gì?”.
Đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi” ta thấy anh thanh niên Thạc có một cuộc sống thật giản dị nhưng rất đỗi cao cả, tràn đầy chất anh hùng và lãng mạn. Những trang nhật ký được viết ra dường như đều xuất phát điểm từ những cảm xúc về người bạn gái- đây cũng là cái cớ để người chiến sĩ này bộc lộ tâm sự, tình cảm của mình.
Ngoài ra, cuốn sách còn cho ta cảm nhận và khám phá được cuộc sống của người dân miền Bắc cuối thập niên 60 và đầu 70, thấy được những tâm tư, tình cảm cũng như suy nghĩ của thế hệ thanh niên thời bấy giờ, ai cũng yêu nước nhưng mỗi người lại có hướng đi riêng, cũng như Thạc và Như Anh, người vào quân đội chiến đấu, người sang nước bạn học tập, nghiên cứu.
Những trang đầu của cuốn nhật ký cho bạn đọc thấy được suy nghĩ của người lính trẻ khi dời ghế nhà trường vào quân đội. Tuy những trang nhật ký của Nguyễn Văn Thạc lòng căm thù giặc chưa lên đến đỉnh điểm như trong “ Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” nhưng ở đây bạn đọc lại cảm nhận được những triết lý sâu sắc về cuộc sống: “ Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả, nhưng rất ít người trên cuộc đời đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều nhưng cố gắng sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi mất nghị lực. Đó mới là điều quan trọng”.
Khi đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi” ta dường như đang phiêu lưu cùng những áng văn hay của một nhà văn, bởi một điều thật dễ hiểu, tác giả của những trang nhật ký này đã từng là học sinh giỏi Văn toàn quốc năm 69-70. Nếu như không có chiến tranh rất có thể anh đã trở thành một nhà văn nổi tiếng có những tác phẩm để đời.
Với một người say mê văn thơ như anh không được đọc lại những trang viết của mình lấy một lần quả là điều đáng tiếc. Nhưng tất cả là do chiến tranh. Ở trang cuối cùng của cuốn nhật ký có viết: “ Và bây giờ tạm biệt cuốn nhật ký đầu tiên của đời lính không kịp xem lại lấy một lần”
Khi đọc những dòng này, mỗi chúng ta đều muốn nói với anh rằng: Vâng, anh cứ yên tâm nằm nghỉ, niềm ao ước của anh sẽ được thực hiện, thế hệ đi sau chúng em sẽ “tiếp lửa truyền thống” “Mãi mãi tuổi hai mươi” của anh.
Mời các thầy cô và các em cùng đọc!
Tháng 4 năm 2024